Chính phủ đề nghị hỗ trợ doanh nghiệp hàng không để duy trì đường bay, giảm giá vé

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 93/NQ-CP ngày 18-6-2024 về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.

Theo Nghị quyết này, Chính phủ phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP đạt cận trên chỉ tiêu Quốc hội giao (6 - 6,5%); đồng thời kiểm soát tốc độ tăng CPI đạt cận dưới chỉ tiêu Quốc hội giao (4 - 4,5%).

Để đạt mục tiêu, Chính phủ sẽ ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với củng cố, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Điều hành hài hòa, hiệu quả, cân bằng hợp lý giữa tăng trưởng và kiểm soát lạm phát.

Cùng đó, điều hành chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm; tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp. Kiểm soát chặt chẽ bội chi, nợ công…

Chính phủ nhấn mạnh quan điểm: Kiên quyết không lùi bước trước khó khăn, kiên định mục tiêu đề ra theo tinh thần "không cầu toàn, không nóng vội", "tập trung, có trọng tâm, trọng điểm", "làm việc nào dứt điểm việc đấy", "không bàn lùi, chỉ bàn làm".

Nghị quyết đặc biệt nhấn mạnh đến nhiệm vụ tập trung hoàn thiện thể chế, pháp luật để tháo gỡ ngay các khó khăn, vướng mắc, giải phóng nguồn lực cho thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Trong đó, Nghị quyết giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương khẩn trương nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 6 năm 2024 quyết định thành lập Ban Chỉ đạo do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban để chỉ đạo các bộ, cơ quan khẩn trương xử lý theo thẩm quyền các vướng mắc, bất cập trong các quy định pháp luật.

Về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, tập trung cho các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các động lực tăng trưởng kinh tế, Nghị quyết của Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước sử dụng hiệu quả các công cụ điều hành để điều tiết tỷ giá, lãi suất, phù hợp với diễn biến tình hình kinh tế vĩ mô và mục tiêu đề ra, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế.

Mặt khác, tập trung tín dụng cho các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng kinh tế, ưu tiên hạn mức tín dụng cho các tổ chức tín dụng hoạt động hiệu quả… Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm soát rủi ro nợ xấu, triển khai hiệu quả các biện pháp xử lý nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng.

Đánh giá toàn diện nguyên nhân chậm giải ngân gói tín dụng nhà ở xã hội 120.000 tỷ đồng

Nhiệm vụ quan trọng tiếp theo được Chính phủ nhấn mạnh là phải tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản. Trong đó, Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành liên quan và các địa phương rà soát, đánh giá kỹ, toàn diện nguyên nhân chậm giải ngân gói tín dụng nhà ở xã hội 120.000 tỷ đồng và khẩn trương có giải pháp để tháo gỡ.

Chính phủ cũng chỉ đạo tiếp tục miễn, giảm, gia hạn thời hạn nộp thuế, phí, lệ phí, tiền sử dụng đất.

Nhiệm vụ quan trọng tiếp theo được nêu trong Nghị quyết là tập trung xử lý dứt điểm các vướng mắc về hoàn thuế giá trị gia tăng, phòng cháy, chữa cháy, truy xuất nguồn gốc. Triệt để tiết kiệm các khoản chi thường xuyên, các nhiệm vụ chi chưa thực sự cấp bách.

Một nhiệm vụ trọng tâm nữa mà Chính phủ sẽ triển khai là thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, lấy đầu tư công để kích hoạt dẫn dắt đầu tư tư, thúc đẩy hợp tác công tư. Phấn đấu giải ngân trên 95% kế hoạch được giao.

Ngoài ra, Chính phủ yêu cầu tập trung phát triển mạnh các ngành, lĩnh vực chủ yếu; phát triển mạnh các ngành dịch vụ có tiềm năng, lợi thế, ứng dụng công nghệ…

Trong đó, Chính phủ nhấn mạnh đến việc kịp thời có giải pháp, chính sách hỗ trợ phù hợp doanh nghiệp hàng không duy trì đường bay, số máy bay thương mại, hạn chế ảnh hưởng đến giá vé, việc di chuyển của người dân và phát triển du lịch trong nước…